Lịch sử các VCK World Cup chưa chứng kiến giải đấu nào có tỷ lệ các quả phạt đền được cứu cao như những gì đang diễn ra ở Qatar. Theo thống kê ở vòng bảng, có đến 35% số lần phạt đền không trở thành bàn thắng.
Chuyện kỳ lạ ở World Cup 2022
Ngay phút thứ 8 của trận đấu giữa Bỉ và Canada (bảng F, hôm 24/11), một tình huống hỗn loạn diễn ra trước khung thành Thibaut Courtois. Sau khi tham khảo VAR, trọng tài chính Janny Sikazwe liền cho Canada được hưởng một quả phạt đền do xác định bóng chạm tay Carrasco sau cú đá của Buchanan.
Đó là thời khắc lịch sử của Canada, đội bóng đã không góp mặt ở sân chơi World Cup kể từ Mexico 1986. Alphonso Davies bước lên nhận trọng trách. Cầu thủ chạy biên trái là ngôi sao sáng giá nhất của Canada khi đã cùng Bayern Munich chinh chiến ở nhiều giải đấu đỉnh cao, nên không có gì ngạc nhiên khi anh được tin tưởng.
Tuy thế, cú đá không quá hiểm hóc của Davies đã bị chặn đứng bởi một thủ môn cao tới 2m. Courtois không quá khó khăn để cản phá quả phạt đền, và sau khi các đồng đội kịp thời pha bóng ra, thủ thành đã giành danh hiệu Champions League cùng Real Madrid ưỡn ngực ăn mừng cùng các đồng đội. Sau cùng, Bỉ giành chiến thắng 1-0 trước Canada.
Đó không phải tình huống hỏng penalty đầu tiên ở World Cup năm nay. Theo thống kê, 35% số cú sút phạt đền đi trúng đích đã bị các thủ môn truy cản thành công. Theo đó, có 14 lần các cầu thủ đá phạt đền hướng vào khung thành đối phương, nhưng chỉ 9 trở thành bàn thắng. Đã có 5 cú đá phạt đền bị các thủ môn chặn lại.
Ngoài Anphonso Davies, thì còn đó siêu sao Lionel Messi trước Ba Lan, Robert Lewandowski khi đối đầu Mexico, Salem Al-Dawsari của Saudi Arabia khi đụng độ Ba Lan, và Jordan Ayew của Ghana trong trận đấu “sinh tử” với Uruguay ở lượt cuối.
Tỷ lệ 35% quả penalty bị cản phá ở World Cup 2022 là con số đủ khiến tất cả phải giật mình. Hãy nhìn vào các giải đấu trước đó, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt: 4 năm trước ở Nga, tỷ lệ các thủ môn ngăn chặn thành công penalty của đối thủ là 13,6% (với 3 lần sau 22 cú đá). Trước nữa, vào năm 2014, tỷ lệ các thủ môn cản phá penalty thậm chí chỉ là 10% (1 lần cứu thua sau 10 lần thực hiện).
Đi tìm lời giải
Với những gì đã diễn ra sau vòng bảng, người ta tin rằng 5 sẽ không phải con số cuối cùng về số quả quả penalty bị ngăn chặn ở VCK lần này. Theo nhận định từ nhà khoa học chuyên về các dữ liệu thủ môn John Harrison, một phần lý do quan trọng dẫn đến thực trạng kể tên, đó là bởi chất lượng các cú sút penalty mà thủ môn phải đối mặt không quá cao: “Sẽ rất thú vị để theo dõi xem tình trạng này có tiếp diễn tại World Cup 2022 hay không, và liệu các thủ môn có tiếp tục vượt mốc trung bình về số lần cản phá penalty hay không”.
John Harrison là trưởng bộ phận dữ liệu tại Goalkeeper.com, một trang web chuyên phân tích và thống kê thủ môn. Vị chuyên gia này đã và đang xây dựng một số mô hình dữ liệu để theo dõi các hành động của thủ môn trong các pha đối đầu và cản phá, đồng thời sử dụng các mô hình đó để giúp thủ môn xác định phong cách và kỹ thuật tối ưu cho mỗi trận đấu.
Hiện Harrison đang nghiên cứu về các quả penalty được ngăn chặn. Vị chuyên gia này khẳng định, tỷ lệ thành công trong mỗi quả penalty dao động trong khoảng 78% đến 82%. Vấn đề ở chỗ, tốc độ bay của quả bóng hay vị trí của nó thường không được tính đến trong các quả phạt đền khi làm thống kê, nên cuối cùng cho ra những tỷ lệ tương tự bất chấp việc người đá phạt nhắm vào góc cao hay chính giữa khung thành.
“Bạn không thể chỉ định xác suất thành công của mỗi quả penalty là 82%. Bởi lẽ, một quả phạt đền cao quá ngang vai rất hiếm khi cản phá thành công. Trong khi đó, các quả phạt 2m dọc theo mặt đất sẽ không có tỷ lệ thành công ở mức 80%, thay vào đó chỉ dao động ngoài mốc 70%. Vẫn có khả năng quả bóng đi qua nách thủ môn, nhưng về cơ bản một cú đấm tốt của thủ môn là nó sẽ bị ngăn chặn”.
Làm thế nào để đá penalty thành công?
Trong số 14 quả phạt đền được thực hiện vòng bảng World Cup 2022, có đến 11 cú đá được thực hiện ở 1/3 khung thành dưới cùng, điểm thấp nhất của cầu môn (khoảng 0,81m hoặc thấp hơn). Và chỉ có 1 quả phạt đền của Gareth Bale trước Mỹ là rơi vào vùng “không thể cứu thua” theo mô hình của Harrison, với xác suất cứu thua dưới 5%.
Trong khi đó, chỉ có 9 trong tổng số 24 quả phạt đền được thực hiện ở World Cup 2018 (chiếm tỷ lệ 37%) được thực hiện ở vòng bảng nhằm vào phía 1/3 dưới khung thành. Thế nên, sút góc cao thường là lựa chọn của các chuyên gia đá phạt đền, trong khi sút ở góc thấp bao giờ cũng có độ rủi ro cao hơn.
Về bản thân các thủ môn, chiều cao có tỷ lệ thuận với khả năng cản phá penalty. Một thủ môn có chiều cao tốt, sải tay dài đồng nghĩa với việc “góc chết” sau các cú đá của cầu thủ đối phương được thu hẹp.
Tuy nhiên, điều đó chỉ là một phần, bởi phần còn lại cũng nằm ở chính kỹ năng bắt penalty của thủ môn. Thủ môn Szczesny đang được ca tụng khi trở thành người hùng của Ba Lan, do đã cản phá 2 quả penalty ở 2 trận liên tiếp. Đây là một kỳ tích với các thủ môn, bởi người trước đó làm được (không phải penalty trong loạt luân lưu) là Brad Friedel của Mỹ vào năm 2002.
Cách Szczesny “đọc vị” Messi và cản phá thành công ở trận đấu then chốt lượt cuối vòng bảng thực sự ấn tượng. Trong khi đó, một trong những lý do để HLV Luis Enrique loại David de Gea, chọn Unai Simon cho khung gỗ TBN - ngoài khả năng chơi chân như tất cả vẫn biết - là bởi khả năng bắt penalty vượt trội của “Người gác đền” thuộc biên chế Bilbao.
Còn với những người thực hiện phạt đền, để có xác suất thành công cao hơn trong các quả penalty, bạn cần ít nhất 1 trong 2 yếu tố: Lực sút tốt, hoặc phải thật ma mãnh.
Dù đá ở góc thấp nhưng cách đá của Bruno Fernandes trước Uruguay là ví dụ điển hình. Tiền vệ người Bồ Đào Nha với những chiêu trò của mình, đã hoàn toàn đánh lừa được thủ môn Rochet. Cách đá của Fernandes đạt tỷ lệ thành công rất cao, và điều đó được thể hiện trong xuyên suốt sự nghiệp của ngôi sao thuộc biên chế M.U.